Địa lý Thanh_Hải

Côn Lôn Sơn tại Thanh HảiĐoạn Hoàng Hà chảy qua Tuần Hóa

Thanh Hải nằm ở phía tây Trung Quốc, phía đông bắc của cao nguyên Thanh-Tạng-nóc nhà thế giới. Về mặt tọa độ, tỉnh Thanh Hải giới hạn từ 89°36'-103°04' kinh Đông, 31°9'-39°19' vĩ Bắc. Tỉnh Thanh Hải có diện tích 722.300 km²,[18] chiếm 13% tổng diện tích của Trung Quốc, chỉ xếp sau Tân Cương, Tây TạngNội Mông. Tỉnh Thanh Hải có chiều dài đông-tây là hơn 1.200 km, chiều dài bắc-nam là trên 800 km. Thanh Hải tiếp giáp với tỉnh Cam Túc ở phía đông, giáp khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở phía tây bắc, giáp với khu tự trị Tây Tạng ở phía nam và tây nam, giáp với tỉnh Tứ Xuyên ở đông nam.

Địa hình

Toàn bộ tỉnh Thanh Hải nằm trong phạm vi của cao nguyên Thanh-Tạng, khu vực phía đông của tỉnh nằm trong phần quá độ từ cao nguyên Thanh Tạng đến cao nguyên Hoàng Thổ. Địa hình Thanh Hải phức tạp, địa mạo đa dạng. Phía tây Thanh Hải cao và dốc, nghiêng xuống phía đông, tạo thành các bậc thang. Độ cao trung bình của tỉnh Thanh Hải là trên 3000 mét, đỉnh cao nhất là đỉnh Bukadaban (布喀达板) thuộc Côn Lôn Sơn với cao độ đạt 6.860 mét.[18] Điểm thấp nhất của tỉnh Thanh Hải là tại thôn Hạ Xuyên Khẩu của huyện Dân Hòa. Vùng cao nguyên ở phía nam Thanh Hải có độ cao trung bình vượt quá 4.000 mét so với mực nước biển. Vùng thung lũng Hà Hoàng có độ cao thấp hơn, đa phần là trên dưới 2000 mét. Ở phía đông bắc và phía đông của Thanh Hải là khu vực quá độ với cao nguyên Hoàng Thổ và vùng sơn địa Tần Lĩnh, phía bắc của Thanh Hải nhìn xuống hành lang Hà Tây của Cam Túc, tây bắc Thanh Hải tách biệt với dãy Altyn-Taghbồn địa Tarim của Tân Cương, phía nam liên tiếp với vùng cao nguyên phía bắc Tây Tạng, đông nam Thanh Hải kết nối với bồn địa Tứ Xuyên thông qua các vùng sơn địa và bồn địa cao nguyên. Về con số cụ thể, 30,1% diện tích Thanh Hải là vùng đất bằng phẳng, 18,7% là vùng gò đồi và 51,2% là vùng núi non. Diện tích cao dưới 3.000 mét chiếm 26,3% diện tích, còn diện tích cao trên 5.000 mét chiếm 5% diện tích, diện tích mặt nước chiếm 1,7% tổng diện tích toàn tỉnh.[18] Bồn địa Qaidam (Sài Đạt Mộc) nằm ở nằm ở tây bắc tỉnh Thanh Hải, bồn địa có diện tích xấp xỉ 120.000 km², trong đó một phần tư được bao phủ bằng các hồ nước mặn và hồ khô cạn.[19]

Khí hậu

Thanh Hải nằm sâu trong vùng cao nguyên nội địa, địa thế cao, khí hậu Thanh Hải vì thế thuộc đới khí hậu cao nguyên lục địa với đặc điểm là khô, ít mưa, nhiều gió, lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí, nhiệt độ trong ngày biến đổi lớn, đông dài hạ ngắn. Thanh Hải không có bốn mùa rõ rệt, có sự khác biệt giữa các khu vực trong địa bàn tỉnh. Nhiệt độ bình quân của tỉnh Thanh Hải là từ 0,4 °C-7,4 °C, nhiệt độ bình quân thấp nhất vào tháng 1 là từ -10,3 °C đến -5,0 °C, nhiệt độ bình quân cao nhất vào tháng 7 là từ 10,8 °C đến 19,0 °C.[18] Ở khu vực thung lũng Hoàng Hà và Hoàng Thủy, có từ 3-5 tháng là không có sương giá, các khu vực khác thì chỉ có một tháng, có những địa phương gần như luôn luôn có sương giá.

Do thực hiện việc xây dựng hệ sinh thái, trả đất trồng trọt và chăn nuôi về cho đồng cỏ và rừng, tình hình khí hậu của khu vực Thanh Hải trên phạm vi cục bộ đã được cải thiện, lượng mưa tăng lên qua các năm. Trong số 8 địa cấp thị, địa khu và châu của Thanh Hải, có 3 khu vực có lượng giáng thủy hàng năm trên 500 mét, thuộc khí hậu khô hạn hoặc bán khô hạn. Bình quân mỗi năm, tổng lương bức xạ mặt trời của Thanh Hải đạt 140-177 kcal/cm, số giờ nắng mỗi năm đạt từ 2.350-2.900 giờ.[18]

Sông hồ

Diện tích mặt nước của tỉnh Thanh Hải là hơn 10.000 km². Thanh Hải là nơi bắt nguồn của ba trong số những con sông dài nhất thế giới: Hoàng Hà, Trường GiangMê Kông, vì thế còn được gọi là "tháp nước Trung Hoa" (中华水塔). Hồ Thanh Hải là hồ có diện tích bề mặt lớn nhất Trung Quốc với 4.489 km² vào năm 2007.[20] Thanh Hải cũng có nhiều hồ muối, tập trung tại bồn địa Qaidam.

Sinh vật

Theo số liệu năm 2012, toàn tỉnh Thanh Hải có hơn 270 loài động vật có xương sống trên cạn. Một số loài động vật quý hiếm tại Thanh Hải gồm: gấu nâu, báo tuyết, bò Tây Tạng, lạc đà hai bướu, lừa rừng Trung Á, linh dương Tây Tạng, sếu cổ đen, hươu môi trắng (Cervus albirostris), thiên nga, gà tuyết, cừu hoang Himalaya và các loại khác. Các loài thú quý có lông ở Thanh Hải gồm rái cá, macmột thảo nguyên, cáo đỏ, linh miêu, chồn đá, mèo manul, chồn núi Altai (Mustela altaica). Thanh Hải có khoảng hơn 2000 loài thực vật hoang dã, trong đó có hơn 1.000 loài có giá trị về kinh tế, hơn 680 loài có thể sử dụng trong ngành dược phẩm. Các loài thực vật dùng làm thuốc chủ yếu tại Thanh Hải gồm: tuyết liên (Saussurea involucrata), đông trùng hạ thảo, cam thảo, tần giao (Gentiana macrophylla), đại hoàng (Rheum rhabarbarum), bối mẫu (Fritillaria), đương quy (Angelica sinensis), ma hoàng (Ephedra). Các loài thực vật hoang dã có thể dùng làm thực phẩm có: nấm lớn, ráng cánh to (Pteridium aquilinum), phát thái (Nostoc flagelliforme), địa y, củ khởi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thanh_Hải http://www.people.com.cn/GB/shenghuo/1090/2435218.... http://vietnamese.cri.cn/chinaabc/chapter3/chapter... http://www.qh.gov.cn/dmqh/system/2012/11/24/010016... http://www.qh.gov.cn/dmqh/system/2012/11/24/010016... http://www.qh.gov.cn/dmqh/system/2012/11/24/010016... http://www.qh.gov.cn/dmqh/system/2012/11/24/010016... http://www.qh.gov.cn/dmqh/system/2012/11/24/010016... http://www.qh.gov.cn/dmqh/system/2012/11/24/010016... http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/20190... http://www.gov.cn/test/2012-04/06/content_2107725....